Phòng ngừa ngộ độc thực phẩm do ăn động, thực vật có chứa độc tố tự nhiên
Vào thời điểm đầu mùa hè, trong nước có nhiều dịp lễ lớn và người dân được nghỉ lễ nhiều ngày, thời điểm này khí trời thường nóng bức, nhiều gia đình lựa chọn đi du lịch nghỉ ngơi và thưởng thức các món ăn đặc sản từ nhiều nơi khác nhau. Tuy nhiên, nhiều người “mất vui” khi không may ăn thức ăn bị dị ứng, thậm chí phải đi cấp cứu nguy hiểm đến tính mạng.
Thời gian gần đây, tại một số địa phương, đặc biệt là khu vực Miền núi phía Bắc, Miền Trung, Tây Nguyên và một số tỉnh ven biển xảy ra các vụ ngộ độc do ăn động, thực vật có chứa độc tố tự nhiên (như nấm độc, côn trùng độc, quả rừng, cây rừng, cóc, so biển, cá nóc…), trong đó đã có những trường hợp tử vong và để lại di chứng cho những người bị ngộ độc dù được chữa khỏi.
Độc tố của một con cóc đủ gây tử vong cho 4-5 người khỏe mạnh
Thực tế, trước đây tại huyện Long Thành cũng đã xảy ra 01 vụ ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên vào năm 2017, khiến 02 người bị ngộ độc phải cấp cứu, trong đó có 01 người tử vong. Đây là vụ ngộ độc thực phẩm có người tử vong đầu tiên từ trước đến nay trên địa bàn huyện Long Thành. Nguyên nhân gây ngộ độc do độc tố tự nhiên trong con so biển khi ăn phải, đây là chất độc thần kinh mạnh, gây tử vong cao, hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Độc tố tự nhiên thường tồn tại ở 02 dạng nguồn gốc: Nguồn gốc động vật và nguồn gốc thực vật. Tuy ở 02 dạng nguồn gốc nhưng chúng có 01 đặc điểm chung là độc tố rất mạnh, thường là độc tố thần kinh mạnh, gây tử vong cao, không có thuốc điều trị đặc hiệu. Về độc tố tự nhiên có nguồn gốc từ động vật bao gồm: tetrodotoxin (có trong cá nóc, so biển, bạch tuộc đốm xanh, cá bóng vân mây, ốc biển lạ…tập trung ở trứng, da, thịt); buphotoxin, bupholalin (có trong cóc tập trung ở nhiều ở buồng trứng, da, mang tai); alcol steroid (có trong cá trắm tập trung ở mật). Về độc tố tự nhiên có nguồn gốc từ thực vật bao gồm: chất độc trong nấm amatoxin (có trong các loại nấm độc, thường là nấm có màu sắc sặc sỡ, nấm mũ trắng); xyanua (có trong khoai mì, măng); alkaloid (có trong lá ngón); solanin (có trong khoai tây, được tạo thành trong quá trình khoai tây mọc mầm, vì vậy không nên ăn khoai tây mọc mầm).
Trước thực trạng về mức độ nguy hiểm của ngộ độc do độc tố tự nhiên có sẵn trong thực phẩm. Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên, bảo vệ sức khỏe và tính mạng cho chính mình và người thân trong gia đình. Trung tâm Y tế huyện Long Thành khuyến nghị người dân nên nghiêm túc thực hiện những nội dung sau:
- Thận trọng khi ăn các loại hải sản lạ, không ăn hải sản đã chết hoặc đã được chế biến sẵn từ lâu, không ăn hải sản khi chưa được nấu chín kỹ.
- Tuyệt đối không ăn cá nóc, so biển, cá bóng vân mây, bạch tuộc đốm xanh, ốc biển lạ, rắn biển và các loại sinh vật biển lạ dưới bất kỳ hình thức chế biến nào (đun sôi, nướng, cá khô, sấy, mắm).
- Không ăn các loại nấm rừng, nấm lạ, lá cây lạ khi chưa biết là loại gì, có thể ăn được hay không.
- Không ăn mật các loại cá.
- Không ăn thịt cóc.
- Măng tươi muốn ăn phải ngâm nước lâu và luộc bỏ nước nhiều lần không đậy nắp.
- Ăn khoai mì (hay sắn) phải bóc sạch vỏ, cắt 2 đầu và ngâm lâu trong nước trước khi luộc hay nướng.
* Xử trí khi nghi ngờ ngộ độc do độc tố tự nhiên:
- Cần gây nôn chủ động ngay lập tức: nôn được càng nhiều càng tốt để hạn chế chất độc có trong thực phẩm ngấm vào cơ thể, phát tán và gây hại.
- Chuyển bệnh nhân nhanh chóng đến cơ sở có điều kiện về hồi sức cấp cứu (bệnh viện).
Ngộ độc do ăn thực phẩm có chứa độc tố tự nhiên thường là ngộ độc cấp tính cực kỳ mạnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nguy cơ gây tử vong rất cao. Do đó, chúng ta cần cảnh giác và nâng cao ý thức về mức độ nghiêm trọng của nó, đừng để phải hối hận vì chủ quan./.
Vương Sĩ Tuyền - TTYT